Các mục tiêu chính trong phát triển theo hướng xanh và bền vững mà Ngành Giấy toàn cầu và Việt Nam cần đạt được là:
Tiết kiệm tài nguyên trong sản xuất và tiêu dùng, với việc nghiên cứu phát triển và khuyến khích sử dụng các sản phẩm giấy có định lượng mỏng/nhẹ hơn, có độ trắng thấp hơn hoặc không tẩy trắng, cũng như sử dụng nguyên liệu đồng nhất, thuận lợi cho quá trình tái chế;
Giảm tiêu hao năng lượng (điện, nhiệt, hơi nước, …), phụ gia, hóa chất và nước sạch trong quá trình sản xuất giấy bằng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và tự động hóa;
Tăng cường nâng cao tỷ lệ thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng, phấn đấu đạt trên mức trung bình toàn cầu là trên 60%. (Theo thống kê, việc tái sử dụng 1 tấn nguyên liệu giấy thu hồi giúp tiết kiệm 4.4 tấn gỗ (26 cây), 39% năng lượng và sẽ giảm 58% khí nhà kính, 35% nước thải ra môi trường…);
Xử lý hiệu quả, an toàn và đảm bảo tiêu chuẩn phát thải đối với các chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất như: áp dụng công nghệ xử lý nước thải kỵ khí tiến tiến; đồng xử lý chất thải rắn bằng lò hơi tầng sôi (có thể xử lý được hầu hết chất thải rắn thông thường phát sinh tại cơ sở sản xuất, tận dụng nhiệt lượng đưa trở lại quá trình sản xuất, giảm chi phí vận chuyển và xử lý, giảm phát thải CO2, đồng thời đảm bảo được tiêu chuẩn khí thải theo luật định)…
Đáp ứng xu thế xanh hóa của Ngành, Hội thảo kỹ thuật ngành Công nghiệp Giấy đã giới thiệu, thảo luận một số giải pháp công nghệ như: giải pháp khử nước hiệu quả của bộ phận ép; giải pháp tận dụng và xử lý chất thải nhà máy giấy trong nền kinh tế tuần hoàn; giải pháp cho nghiền bột hiệu quả cao với máy nghiền nồng độ cao, đổi mới công nghệ tẩy trắng như công nghệ không sử dụng nguyên tố Clo (ECF), hệ thu hồi hóa chất khép kín sản xuất ra bột giấy có chất lượng cao và thân thiện với môi trường, động cơ tiết kiệm năng lượng nam châm vĩnh cửu, giảm tiêu hao nước với hệ thống chăn lưới chất lượng cao và sử dụng hóa chất hiệu quả để giảm tiêu hao năng lượng và nước trong sản xuất giấy…
Trong mười năm trở lại đây, ngành Công nghiệp Giấy Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc cả về đầu tư nâng cao công suất, gia tăng sản lượng, lẫn nâng cao chất lượng, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu và phát thải; đáp ứng tốt nhu cầu giấy các loại, nhất là giấy bao bì làm hòm hộp cho sản phẩm hàng hóa tiêu dùng trong nước, cũng như xuất khẩu.
Tuy nhiên, ngành Giấy Việt Nam hiện tại còn khá nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ không có đủ điều kiện để đầu tư đầy đủ vào hệ thống xử lý chất thải, cũng như vào công tác nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật và công nghệ, nên vẫn còn nhiều hiện tượng không tuân thủ quy định về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường, tiêu hao tài nguyên (nguyên liệu, năng lượng, nước sạch, …) còn cao và sản phẩm đưa ra thị trường có chất lượng thấp. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín và hình ảnh của ngành Giấy nói đặc biệt là các thương hiệu uy tín tuân thủ đầy đủ các quy đinh phát luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhất là về mặt môi trường.